HIỂU VỀ UNG THƯ KHOANG MIỆNG - liveagain

HIỂU VỀ UNG THƯ KHOANG MIỆNG
  1. Ung thư khoang miệng là gì? 

Ung thư khoang miệng là bệnh ác tính có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng như môi, lưỡi, trong má, vòm miệng cứng (phần trước của vòm miệng), nướu, v.v. Ung thư miệng thường là ung thư biểu mô tế bào vảy, xảy ra khi sự phát triển của các tế bào bề mặt trong khoang miệng không được kiểm soát đúng cách. Khi khối u phát triển có thể hình thành cục u hoặc loét, hay cũng có thể xuất hiện dưới dạng các mảng màu trắng hoặc bề mặt đổi màu gây đau.  

Nếu khối u không được điều trị đúng cách, nó sẽ tiến triển và phá hủy không chỉ các mô mềm xung quanh mà thậm chí cả xương. Nếu khối u tiến triển hơn nữa, nó sẽ lan đến các hạch bạch huyết ở cổ và di căn sang các cơ quan khác trên khắp cơ thể. Ung thư khoang miệng được coi là một trong những bệnh khó điều trị nhất vì có tiên lượng xấu và có thể gây rối loạn chức năng sau khi điều trị. Bệnh xảy ra nhiều ở nam giới trong độ tuổi 50 ~ 60. Tuy nhiên, thi thoảng cũng xuất hiện ở người trẻ dưới 30 tuổi.  

  Ung thư miệng: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa

  1. Nguyên nhân của ung thư khoang miệng

Nguyên nhân số một của ung thư khoang miệng là uống rượu và hút thuốc. Các nguyên nhân khác bao gồm vệ sinh răng miệng không tốt và vết thương tái phát nhiều lần trên lưỡi do ảnh hưởng của lắp răng giả hoặc răng vốn có.  

90% bệnh nhân được chuẩn đoán ung thư khoang miệng do hút thuốc. Hút thuốc lâu năm và hút càng nhiều, nguy cơ càng cao. Ngoài ra, thiếu vitamin, vệ sinh răng miệng không tốt và tổn thương niêm mạc dai dẳng do răng sắc nhọn hoặc răng giả cũng là nguyên nhân gây ung thư. Tiêu thụ rượu quá mức hoặc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời cũng làm tăng nguy cơ phát triển ung thư khoang miệng.   

Những người bị ung thư khoang miệng có khả năng cao cũng mắc ung thư thanh quản (cơ quan phát ra âm thanh), thực quản và phổi. 15% những người được chẩn đoán mắc ung thư khoang miệng có thêm ít nhất 1 loại ung thư trên tại thời điểm chẩn đoán. Ngoài ra, 10 ~ 40% bệnh nhân sẽ mắc ung thư mới như kể trên hoặc các bệnh ung thư khoang miệng khác mới.  

  

  1. Các triệu chứng nếu mắc ung thư khoang miệng

– Đau miệng không thuyên giảm (triệu chứng phổ biến nhất)  

– Loét miệng không thuyên giảm (triệu chứng phổ biến thứ 2)  

– Các bộ phận của khoang miệng liên tục đổi màu  

– Cảm thấy vướng trong miệng, cảm giác má dày lên  

– Khó nhai nuốt  

– Khó di chuyển lưỡi hoặc hàm  

– Lung lay răng   

– Cảm giác lạ ở lưỡi hoặc một phần của miệng  

– Đau quanh răng hoặc hàm  

– Giảm cân không rõ nguyên nhân   

– Sưng hàm, răng giả bị lỏng lẻo hoặc khó chịu khi mang   

– Một cục u sờ thấy ở cổ  

 – Cảm giác có thứ gì đó bị mắc trong cổ họng  

  

  1. Chẩn đoán và điều trị ung thư khoang miệng

Ung thư miệng được chẩn đoán bước đầu bằng cách thực hiện sinh thiết một khối u hoặc loét trong khoang miệng. Chụp CT và MRI miệng, cổ họng được thực hiện để xác định mức độ liên quan đến ung thư miệng. Chụp CT để xác định sự liên quan đến xương hàm, MRI để đánh giá mức độ mô mềm khó nhìn thấy trên CT. Chụp PET để kiểm tra di căn khác ngoài khoang miệng và cổ họng, và xạ hình xương để kiểm tra di căn xương.  

Sau khi chẩn đoán ung thư miệng, giai đoạn bệnh sẽ được phân theo mức độ tiến triển. Giai đoạn 0 hoặc giai đoạn 1 là khi khối u chỉ giới hạn trên bề mặt, giai đoạn 3 hoặc giai đoạn 4 là khi nó đã lan sâu đến các mô xung quanh. Tùy thuộc vào vị trí và giai đoạn của khối u, việc điều trị sẽ khác nhau. Các phương pháp điều trị quan trọng nhất cho bệnh ung thư miệng là điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.  

Phương pháp điều trị cơ bản cho bệnh ung thư miệng là phẫu thuật. Phạm vi và cách tiếp cận phẫu thuật khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ tiến triển của khối u. Các lựa chọn điều trị khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ của khối u, bao gồm phương pháp mổ thẳng khoang miệng, phương pháp mổ từ cổ hoặc mổ hàm dưới. Nếu sau phẫu thuật  có di căn hạch bạch huyết hoặc khối u không thuyên giảm mà tiến triển lên thì xạ trị và hóa trị sẽ được thực hiện để ngăn ngừa tái phát.  

  

Phẫu thuật 

Phương pháp điều trị quan trọng nhất là loại bỏ khối u và các mô xung quanh mà khối u đã xâm lấn. Trong hầu hết các trường hợp, khối u được loại bỏ trực tiếp qua miệng, nhưng cũng có trường hợp tiếp cận khối u thông qua cổ hoặc hàm. Hầu hết các tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết cổ thì có phẫu thuật bóc tách để loại bỏ các hạch bạch huyết và tế bào ung thư.  

Ngay cả khi không có di căn ở vùng cổ, phẫu thuật cắt bỏ hạch cổ cũng có thể vẫn được áp dụng để loại bỏ khả năng di căn về sau. Sau khi khối u được loại bỏ, khiếm khuyết chỗ bị cắt bỏ sẽ được tái tạo phù hợp qua phẫu thuật táo tạo. Phẫu thuật tái tạo được thực hiện trên vùng cánh tay, chân hoặc ngực.  

   

Xạ trị   

 Xạ trị đôi khi được áp dụng để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật, thường được áp dụng để giảm nguy cơ tái phát khi ung thư đã di căn các hạch bạch huyết hoặc ở giai đoạn 3 trở lên. Khi khối u khó chữa, xạ trị để cải thiện các triệu chứng như đau, chảy máu và khó nuốt.  

Để xạ trị thì phải điều trị sâu răng trước và vị trí phẫu thuật phải được chữa lành đầy đủ sau phẫu thuật. Xạ trị có thể làm hỏng tuyến nước bọt và gây khô miệng vĩnh viễn, nhưng tiến bộ gần đây trong xạ trị điều chỉnh bức xạ đã đem đến nhiều cơ hội hơn trong việc giữ lại tuyến nước bọt bình thường.  

  

Hóa trị  
Đây là một phương pháp điều trị sử dụng thuốc chống ung thư. Được thực hiện để giảm kích thước của khối u trước khi phẫu thuật, hoặc như một điều trị bổ trợ kết hợp với xạ trị nếu di căn hạch bạch huyết nghiêm trọng hoặc tiến triển sau phẫu thuật. Các khối u quá lớn để phẫu thuật có thể được giảm kích thước và loại bỏ các triệu chứng với sự kết hợp giữa xạ trị và hóa trị. Các loại thuốc chống ung thư được sử dụng phổ biến nhất là cisplatin và 5-FU (fluorouracil).  

Phát hiện khối u sớm, bệnh nhân sẽ có nhiều cơ hội điều trị thành công. Các khối u giai đoạn 1 hoặc 2 từ 4 cm trở xuống và chưa lan đến các hạch bạch huyết cổ có nhiều khả năng được chữa khỏi bằng phẫu thuật và xạ trị.  

  

  1. Theo dõi và Lưu ý về ung thư khoang miệng

Ung thư miệng được chẩn đoán càng sớm thì tiên lượng càng tốt. Đối với ung thư sớm, hơn 90% có thể sống sót hơn 5 năm sau khi chẩn đoán. Bệnh nhân ở giai đoạn 2 hoặc 3 có 50% cơ hội sống sót sau khi hồi phục hoàn toàn trong hơn 5 năm. Tuy nhiên, ngay cả khi khối u nhỏ được điều trị hoàn toàn thì vẫn có thể tái phát loại ung thư miệng khác hoặc ung thư đầu cổ, vì vậy cần theo dõi lâu dài.  

Các yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với ung thư miệng là người vừa uống rượu vừa hút thuốc. Nếu bạn đã hoặc đang hút thuốc, bạn nên để ý đến các triệu chứng và nên khám bác sĩ ít nhất mỗi năm một lần để kiểm tra bất kỳ bất thường nào trong miệng phát hiện sớm nếu mắc ung thư.  

Ung thư môi thường là do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nếu công việc của bạn phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, nên tránh hoạt động vào ban ngày khi mặt trời gắt nhất, và sử dụng tấm che nắng, kem chống nắng và son dưỡng môi để bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng mặt trời.  

  

Hãy theo dõi LIVE AGAIN để đọc tiếp về triệu chứng, cách chẩn đoán, cách điều trị, …. nhé.  Kết nối LIVE AGAIN để được tư vấn về khám – chữa bệnh từ xa và tại Hàn Quốc ~ 

Bài viết liên quan